logo
logo
Văn hóa ngày Tết Trung Quốc độc đáo, đặc sắc và thú vị!

Văn hóa ngày Tết Trung Quốc độc đáo, đặc sắc và thú vị!

Tìm hiểu phong tục ngày Tết Trung Quốc để hiểu về một phần nét văn hóa Trung Quốc

Cũng giống như Việt Nam, ngày Tết Trung Quốc vô cùng quan trọng, chính là dịp để đoàn viên, nghỉ ngơi sau một năm làm việc, học tập vất vả, cũng như chuẩn bị cho một năm mới nhiều hi vọng. Vậy văn hóa ngày Tết Trung Quốc có gì đặc biệt nhỉ? Phong tục ngày Tết Trung Quốc có điểm gì giống với Việt Nam không? Món ăn ngày Tết Trung Quốc có gì độc đáo? Cùng Tiếng Trung Toàn Diện tìm hiểu nhé!

1. Lịch sử ngày Tết Trung Quốc

Tương truyền, việc ăn Tết đầu năm ra đời vào khoảng 4000 năm trước, ở thời vua Thuấn. Ngày vua Thuấn lên ngôi, ông dẫn theo người dân cùng cúng tế trời đất, sau này dân gian lấy ngày ấy làm ngày đầu tiên của năm. Tháng có ngày đầu tiên của năm gọi là Nguyên nguyệt (元月 yuán yuè), ngày đầu của tháng ấy gọi là Nguyên đán (元旦 yuán dàn).

Vào mỗi thời đại sẽ có thời gian tổ chức Tết âm lịch không giống nhau. Như nhà Hạ tổ chức vào tháng Giêng, nhà Thương thì lấy tháng Chạp, nhà Tần lại tổ chức vào tháng Mười. Thời kì đầu nhà Hán vẫn còn sử dụng lịch nhà Tần, đến đời Hán Vũ Đế – Lưu Triệt (汉武帝刘彻 hàn wǔ dì liú chè) mới yêu cầu Tư Mã Thiên và Công Tôn Khanh soạn lịch Thái Dương, chính thức tính ngày đầu năm là ngày đầu tiên của tháng Giêng gọi là tuế thủ (岁首 suì shǒu ). Có rất nhiều tên để gọi của Tết âm lịch Trung Quốc như:

Đời Tần: Thượng Nhật (上日 shàng rì), Cải Tuế (改岁 gǎi suì)

Đời Tây Hán: Tam Triêu (三朝 sān cháo), Tuế Đán (岁旦 suì dàn)

Từ đời Đường trở đi: Nguyên Đán (元旦 yuán dàn), Tân Chinh (新正 xīn zhèng), Tân Nguyên (新元 xīn yuán)

Tới thời Dân quốc thì sử dụng lịch dương là chính nhưng vẫn truyền thống tổ chức ăn Tết theo lịch âm cổ truyền. Đến năm 1913, chính phủ Bắc Kinh trình lên Viên Thế Khải (người đứng đầu Trung Quốc lúc bấy giờ) một bản dự thảo các ngày lễ truyền thống, trong đó bốn tiết khí chính: xuân tiết là Nguyên Đán, hạ tiết là Đoan Ngọ, thu tiết là Trung Thu và đông tiết là Đông Chí. Tuy nhiên Viên Thế Khải chỉ phê chuẩn “xuân tiết – Nguyên Đán” là ngày nghỉ, nên từ đó nhân dân Trung Quốc gọi Tết âm lịch là “xuân tiết”.

Từ năm 1949, Trung Quốc chính thức gọi ngày 1-1 âm lịch là tết Nguyên Đán.

2. Truyền thuyết Tết Trung Quốc

Dân gian truyền miệng rằng ngày xửa ngày xưa xuất hiện một con quái vật gọi là Niên. Quái vật này có một sừng và sống quanh năm dưới đáy biển sâu, chỉ mò lên bờ đúng vào đêm giao thừa để quấy phá dân lành. Quái vật Niên thường vào làng bắt và ăn thịt các loài vật nuôi, thậm chí là cả con người. Sáng sớm thì đi mất nên mọi người cứ đến đúng ngày đó là không ai dám ngủ, cả nhà phải quây quần lại bên nhau đề phòng quái vật nên mới có tục thức đêm giao thừa. Quái vật Niên tuy đáng sợ nhưng cũng có thứ làm nó sợ, đó là những vật màu đỏ và tiếng động lớn, nên cứ tới ngày nó lên là mọi người lại mặc quần áo đỏ, treo lồng đèn đỏ, dán câu đối đỏ và đốt pháo. Từ đó quái vật Niên không dám quấy phá dân làng nữa, nhưng dân làng thì vẫn giữ phong tục đó và gọi là quá niên (过年 guò nián) (sau này gọi là “ăn Tết”). Trên đây chính là truyền thuyết Tết Trung Quốc.

3. Phong tục ngày Tết Trung Quốc

Phong tục ngày Tết Trung Quốc: Tiễn Ông táo về trời

Hàng năm người dân sẽ thực hiện lễ tiễn Táo quân (灶君: Zào jūn) về trời vào ngày 23 tháng Chạp, báo cáo mọi chuyện trong năm của gia chủ tới Ngọc hoàng thượng đế (玉皇大帝 Yùhuáng dàdì). Nghi lễ được người dân Trung Quốc thực hiện cẩn thận, nghiêm trang. Sau ngày này, các gia đình Trung Quốc sẽ bắt đầu tiến hành việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa và viết câu đối Tết.

Phong tục ngày Tết Trung Quốc: Dọn dẹp sạch sẽ, trang trí nhà cửa bằng đồ vật màu đỏ

Sau ngày tiễn ông táo về trời, đến ngày 24 là ngày quét dọn, lau chùi nhà cửa. Trong ngày này, mọi thành viên trong gia đình gồm già trẻ lớn bé đều tất bật dọn dẹp chuẩn bị cho ngày Tết. Ngoài ý nghĩa quét dọn cho sạch sẽ, việc này còn bao hàm ngụ ý xua tan những điều xấu trong năm cũ để đón nhiều may mắn trong năm sau.

Người Trung Quốc có tục dán câu đối Tết rất độc đáo. Thường những câu đối này sẽ có nền màu đỏ, bút lông mực đen viết bên trên với hi vọng vừa để trừ tà lại vừa để trang trí thể hiện ước nguyện năm mới của gia chủ. Tục dán câu đối Tết theo ghi chép sớm nhất vào thời Hậu Thục (934 – 965 sau CN). Ban đầu người dân dùng gỗ đào khắc hình môn thần (thần giữ cửa) treo ngoài cửa để trừ tà đuổi quỷ gọi là “đào phù” (桃符 táo fú). Đến đời Tống, đào phù được thay bằng câu đối tết (春联 chūn lián) được viết trên các thanh gỗ đào.

Phong tục ngày Tết: Món ăn ngày Tết Trung Quốc

Bữa ăn tất niên đoàn tụ là truyền thống trong đêm giao thừa của người Trung Hoa, bao gồm cả họ hàng gần xa. Món ăn ngày Tết Trung Quốc không thể thiếu trong bữa cơm tất niên là thịt gà, cá, đậu và khoai sọ. Riêng món cá họ sẽ không ăn hết mà để dành một phần qua đêm với ý nghĩa để gia đình sang năm mới sẽ có cuộc sống ngày càng dư giả hơn, bởi “cá” trong tiếng Trung phát âm giống như chữ “dư thừa”.

Trong bữa cơm tất niên của người miền Bắc Trung Quốc sẽ có món chính là sủi cảo. Cả gia đình cùng gói há cảo, bên ngoài vỏ làm bằng bột mì hình tròn cán mỏng, còn bên trong là nhân thịt rất thơm ngon. Không khí cả gia đình cùng nhau quây quần gói bánh rất náo nhiệt và ấm cúng.

Còn ở các vùng miền khác cũng có các món ăn đặc trưng trong bữa cỗ đêm giao thừa tượng trưng cho sự thịnh vượng. Trong mâm cỗ ngày Tết Trung Quốc thường có mười mấy món nhưng không thể thiếu đậu phụ và cá (trong chữ Hán từ này đồng âm với từ “phú quý, dư giả”).

Trên đây là các phong tục ngày Tết Trung Quốc. Hi vọng các bạn sẽ có thêm những kiến thức thú vị về Tết của người Trung Quốc!

Bình luận

Hotline

0973.330.143

call