logo
logo
Bộ thủ tiếng Trung

Bộ thủ tiếng Trung

Ai học tiếng Trung cùng đều biết hoặc nghe nói đến 214 bộ thủ trong tiếng Trung. Chúng ta thường được thầy cô giáo những người học trước nói về tầm quan trọng của 214 bộ thủ trong việc ghi nhớ mặt chữ như thế nào. Bộ thủ gần như là bảng chữ cái ta cần phải học đầu tiên mỗi khi học tiếng Trung, nhưng giờ đây việc học bộ thủ có còn quan trọng nữa khồng? Có thực sự cần thiết học 214 bộ thủ trong tiếng Hán không? Phương pháp học 214 bộ thủ như thế nào cho hiệu quả nhất!

1. Bộ thủ trong tiếng Trung là gì?

Bộ thủ tiếng Trung là một phần cơ bản của chữ Hán và cả chữ Nôm dùng để sắp xếp những loại chữ vuông này. Từ xưa đến nay trong từ điển chữ Hán, các chữ đều được gom thành từng nhóm theo bộ thủ.

Từ đời Hán, bộ thủ trong tiếng Trung được Hứa Thận 許慎 phân loại thành 540 nhóm hay còn gọi là 540 bộ.
Thí dụ, những chữ 論 , 謂 , 語 đều liên quan tới ngôn ngữ, lời nói, đàm luận v.v... nên được xếp chung vào một bộ, lấy bộ phận 言 (ngôn) làm bộ thủ (cũng gọi là “thiên bàng” 偏旁).
Đến đời Minh, Mai Ưng Tộ 梅膺祚 sắp xếp gọn lại chỉ còn 214 bộ thủ.

Trong các từ điển chữ Hán ngày nay, cách sắp xếp các bộ thủ thường theo cách xếp của Từ điển Khang Hi (康煕辞典) từ điển xuất hiện lần đầu tiên đời nhà Thanh.

Hiểu một cách đơn giản thì bộ thủ chính là chữ có ý nghĩa xuất hiện thường xuyên. Bộ thủ có thể sẽ được đơn giản hóa khi đưa vào trong các chữ khác.

Ví dụ như bộ 心 (tâm) thường xuyên được sử dụng, nó có trong chữ 志 (chí) và trong chữ 情 (tình). Ở trong chữ Chí chúng ta thấy chữ tâm vẫn để “nguyên hình”, nhưng đến chữ tình thì bộ tâm thay đổi thành hình như phía trước như hình bên dưới.

bộ tâm

 

2. Vị trí và hình dạng

Hình dạng của bộ thủ căn cứ vào số nét, đơn giản nhất là bộ thủ chỉ có ít nhất 1 nét và phức tạp nhất là bộ thủ 17 nét. Tổng số bộ thủ di dịch theo thời gian. Sách vở ngày nay thường công nhận 214 bộ thủ thông dụng rút từ Khang Hy tự điển (1716), Trung Hoa đại tự điển (1915), và Từ hải(1936). Vị trí của bộ thủ không cố định mà tủy vào mỗi chữ có thể ở trên, dưới, bên trái hay bên phải của chữ.

  • Bên trái: 略 âm Hán Việt là lược gồm bộ thủ 田 (điền) và 各 (các).
  • Bên phải: 期 âm Hán Việt là kỳ gồm bộ thủ 月 (nguyệt) và 其 (kỳ).
  • Trên: 苑 âm Hán Việt là uyển gồm bộ thủ 艸 (thảo) và 夗 (uyển). 男 âm Hán Việt là nam gồm bộ thủ 田 (điền) và 力 (lực).
  • Dưới: 志 âm Hán Việt là chí gồm bộ thủ 心 (tâm) và 士 (sĩ).
  • Trên và dưới: 亘 âm Hán Việt là tuyên gồm bộ thủ 二 (nhị) và 日 (nhật).
  • Giữa: 昼 âm Hán Việt là trú gồm bộ thủ 日 (nhật) cùng 尺 (xích) ở trên và 一 (nhất) ở dưới.
  • Góc trên bên trái: 房 âm Hán Việt là phòng gồm bộ thủ 戸 (hộ) và 方 (phương).
  • Góc trên bên phải: 式 âm Hán Việt là thức gồm bộ thủ 弋 (dặc) và 工 (công).
  • Góc dưới bên trái: 起 âm Hán Việt là khởi gồm bộ thủ 走 (tẩu) và 己 (kỷ).
  • Đóng khung: 国 âm Hán Việt là quốc gồm bộ thủ 囗 (vi) và 玉 (ngọc).
  • Khung mở bên dưới: 間 âm Hán Việt là gian gồm bộ thủ 門 (môn) và 日 (nhật).
  • Khung mở bên trên: 凷 âm Hán Việt là khối gồm bộ thủ 凵 (khảm) và 土 (thổ).
  • Khung mở bên phải: 医 âm Hán Việt là y gồm bộ thủ 匚 (phương) và 矢 (thỉ).
  • Trái và phải: 街 âm Hán Việt là nhai gồm bộ thủ 行 (hành) và 圭 (khuê).

3. Chức năng của bộ thủ

Chức năng dễ nhận diện nhất của bộ thủ tiếng Trung chính là cách phân chia các loại chữ Hán, từ đó giúp cho việc soạn từ điển cũng có quy củ hơn. Bộ thủ ngoài ra còn có công dụng biểu nghĩa tuy không hẳn chính xác nhưng người đọc có thể suy ra nghĩa gốc.

Ví dụ như:

  • 沐 (âm Hán Việt là mộc, nghĩa là tắm) có bộ thủy bên trái chữ mộc, giúp làm rõ chữ này liên quan đến nước.
  • 柏 (âm Hán Việt là bách, một loại cây gỗ) có bộ mộc bên trái chữ bá, nhắc rằng chữ này liên quan đến cây gỗ.

Cách dùng bộ thủ để gợi nghĩa được khai thác nhiều trong chữ Nôm tiếng Việt của người Việt.

4. Ý nghĩa của việc học bộ thủ tiếng Trung

Có một thực tế rất hay xảy ra với các bạn học tiếng Trung đó là các bạn có thể đọc được chữ Hán nhưng lại không viết được, đó chính là khả năng nhận biết mặt chữ. Do đó việc học bộ thủ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, để tra từ điển bạn không thể nào học thuộc tất cả các phiên âm, bởi vậy việc tra từ điển sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu như bạn học thuộc 214 bộ thủ.

Đoán nghĩa của chữ: khi người học tiếng Trung biết bộ thủ thì một cách tương đối  có thể đoán được nghĩa chung chung của từ đó, như thấy bộ “thủy” (水,氵) là biết nghĩa sẽ liên quan đến sông nước ao hồ, bộ mộc (木) liên quan đến cây cối, bộ tâm (心,忄) liên quan đến tình chí, cảm xúc của con người… Mỗi bộ thủ đều có ý nghĩa của nó, tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang học là tiếng Hán giản thể, vậy nên ý nghĩa của các từ Hán đó không còn liên quan đến các chữ Hán giản thể là mấy nữa. Nhưng bằng trí tưởng tượng của mình chúng ta hoàn toàn có thể biến 214 bộ thủ tiếng Trung ấy thành các từ tiếng Trung. Ví dụ như chữ 铅[qiān] có nghĩa là chì (trong từ bút chì), gồm có bộ kim, bộ khẩu, bộ kỷ(đọc là jǐ – đọc gần như chữ “chỉ” trong tiếng Việt) vậy ta có thể nhớ là “Kim – Chỉ – khâu Mồm lại” thế là ra chữ铅 rồi ).

214 bộ thủ tiếng Trung đóng vai trò cực kì quan trọng trong quá trình học tiêng Trung, do đó người học nên đầu tư nhiều thời gian cũng như công sức để học bộ thủ. Học được bộ thủ tiếng Trung chắc chắn quá trình học tiếng Trung của bạn sẽ dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều, bạn không chỉ học viết, học nhớ mà học học phát âm cơ bản nhất.

 

Bình luận

Hotline

0973.330.143

call